6 Cách Định Vị Thương Hiệu Cơ Bản Của Một Sản Phẩm

Như chúng ta đã biết, để xây dựng một thương hiệu mạnh điều kiện không thể thiếu là cần có một chiến lược định vị tốt tức là thiết lập được một hình ảnh khác biệt trong tâm trí khách hàng mục tiêu, hình ảnh khác biệt đó phải xuất phát từ chính nhu cầu và mong muốn của thị trường.

Thông thường các công ty thường sử dụng 6 cách sau để định vị cho một sản phẩm của mình:

1. Dựa vào đặc tính kỹ thuật của sản phẩm

Đây là cách phổ biến nhất mà các công ty hiện nay đang sử dụng bởi việc dễ thiết lập việc định vị với các thông số kỹ thuật vượt trội so với các đối thủ. Ưu điểm là dễ tiếp cận khách hàng có kiến thức về sản phẩm, bởi họ đo lường chất lượng sản phẩm thông qua các thông số kỹ thuật.

Có thể kể đến cách định vị của các điện thoại Sony được sản xuất theo tiêu chuẩn chống nước hay điện thoại Asus Zenfone 2 được định vị là một điện thoại có bộ nhớ lớn nhất hiện nay.

Tuy nhiên với cách định vị này, lợi thế chỉ tồn tại trong thời gian ngắn bởi lợi thế sẽ mất đi khi đối thủ tung ra các sản phẩm có tiêu chí kỹ thuật tốt hơn.

2. Dựa vào lợi ích của sản phẩm

Việc định vị thương hiệu dựa trên lợi ích của sản phẩm giúp thương hiệu trở nên gần gũi hơn với những khách hàng đang tìm kiếm cho mình những lợi ích từ sản phẩm mang lại.

Ví dụ: cách định vị này ta gặp rất nhiều trong các mẫu quảng cáo trên TV như sản phẩm sữa chua nha đam Vinamilk với thông điệp “cho một làn da sáng mịn” hay dầu gội Sunsilk “cho mái tóc mượt mà và óng ả”

3. Dựa vào giá bán

Có thể định vị theo 2 hướng: một là thương hiệu có giá cao nhất hoặc rẻ nhất trên thị trường. Việc định vị theo giá bán tùy thuộc vào chiến lược của từng công ty, nếu công ty muốn xây dựng một thương hiệu đẳng cấp thì việc định giá cao là phù hợp. Trong trường hợp này có thể kể đến cách định vị Bphone của Bkav, Bphone được định giá trên 10tr đồng và nó được so sánh với các sản phẩm cao cấp khác của Apple và Samsung. Việc định vị giá rẻ có thể kể đến nhà bán lẻ Big C với khẩu hiệu “giá rẻ cho mọi nhà”. Với chiến lược định vị giá rẻ nhất đòi hỏi công ty có lợi thế về chi phí và công ty muốn xâm nhập thị trường mới bằng một sản phẩm mới với giá tốt để chiếm lĩnh thị phần của đối thủ.

4. Dựa vào chất lượng sản phẩm

Đây là cách định vị mà hầu như công ty nào cũng muốn sử dụng nhưng thực sự thì rất khó thành công, bởi chất lượng thường dựa trên cảm nhận của khách hàng, họ thường có ấn tượng với các thương hiệu tiên phong hoặc dẫn đầu.

Ví dụ: thị trường xe gắn máy Việt Nam, nói đến xe chất lượng người ta nghĩ ngay đến Honda mặc dù cũng rất nhiều hãng khác khẳng định chất lượng sản phẩm của mình như: Suzuki hay Yamaha

5. Dựa vào thói quen tiêu dùng và công dụng của sản phẩm

Việc định vị dựa vào thói quen sử dụng của người tiêu dùng cũng giúp sản phẩm của chúng ta trở nên khác biệt một cách dễ dàng.

Ví dụ: thương hiệu café Milano được định vị là café dành cho việc mang đi, điều đó làm cho nó trở nên khác biệt so với các quán café thông thường.

6. Hướng vào nhóm người sử dụng cụ thể

Đây có thể nói là một chiêu thức kinh điển vì nó hướng tới một nhóm người cụ thể. Giúp cho thương hiệu gần gũi hơn bởi nó xuất phát từ nhu cầu và mong muốn cụ thể của một nhóm người. Tuy nhiên để vận dụng thành công phương thức này chúng ta cần am hiểu các phân khúc một cách chính xác, các phân khúc được đo lường bằng các công cụ nghiên cứu, cho nên đừng vội định vị theo cách này khi chưa có các nghiên cứu chính xác.

Ví dụ:

  • Rolex – đồng hồ doanh nhân
  • Nike – giầy thể thao dành cho các Vận động viên chuyên nghiệp

Trên đây là 6 phương thức sử dụng phổ biến trong cách định vị một thương hiệu sản phẩm. Tùy theo chiến lược kinh doanh, chúng ta có thể có các cách định vị khác như: định vị theo tính cách, định vị theo tình cảm, định vị theo ước muốn, định vị theo đối thủ cạnh tranh hoặc định vị theo vấn đề và giải pháp
Phatmarcom

11 Tiêu chuẩn xây dựng Thương hiệu cá nhân đích thực

Xây dựng thương hiệu cá nhân không chỉ là việc đánh bóng thương hiệu, tạo sự nổi tiếng mà là hành trình hướng tới một cuộc sống hạnh phúc và thành công hơn. Thương hiệu cá nhân luôn phản ánh con người thật của bạn. Bạn nên xây dựng nó dựa trên các giá trị, nét độc đáo và tài năng thiên bẩm của mình. Nếu bạn xây dựng thương hiệu có hệ thống, đích thực và toàn diện thì nó sẽ lớn mạnh, rõ ràng, hoàn thiện và có giá trị đối với người khác. Nếu bạn không xây dựng thương hiệu theo cách trên mà bạn chỉ tập trung vào sự nổi tiếng và sự thăng tiến của bản thân thì bạn sẽ bị người khác nhìn nhận như một kẻ luôn tự coi mình là trung tâm, ích kỷ. Khi đó quá trình xây dựng thương hiệu cá nhân sẽ biến thành một vụ việc xấu xa và giả tạo.

thương hiệu cá nhân đích thực

Vì thế hãy xây dựng thương hiệu cá nhân của mình với một tình yêu chân chính, đó chính là tình yêu với bản thân, người khác,  với những việc bạn đam mê và thích thú. Hãy ghi nhớ 11 tiêu chuẩn sau đây khi xây dựng và phát triển thương hiệu cá nhân của mình bạn nhé:

  1. Tính xác thực: bạn là CEO của chính bạn. Bạn nên xây dựng thương hiệu dựa trên nhân cách của mình. Thương hiệu đó nên phản ánh tính cách, hành vi, giá trị và tầm nhìn của bạn. Vì vậy nó phải được gắn kết với tham vọng cá nhân của bạn.
  2. Tính chính trực: bạn nên tuân theo những quy tắc ứng xử và đạo đức do tham vọng cá nhân của bạn đánh giá.
  3. Tính nhất quán: bạn cần nhất quán trong hành vi ứng xử của mình
  4. Chuyên môn: tập trung vào một lĩnh vực chuyên môn. Bạn nên nghiêm túc tập trung vào một khả năng chính hoặc một kỹ năng độc đáo. Nếu không có các kỹ năng chuyên môn, tài năng, trí thông minh thì bạn sẽ không độc đáo và khác biệt.
  5. Uy tín: được nhận biết như một chuyên gia trong lĩnh vực cụ thể, là người tài giỏi, có kinh nghiệm và nhà lãnh đạo làm việc có hiệu quả.
  6. Nét đặc biệt: phân biệt bản thân với những người khác nhờ thương hiêu của bạn. Nó phải được thể hiện theo cách độc đáo và khác biệt với mọi đối thủ, để đối tượng hiểu được bạn đang đại diện cho điều gì.
  7. Sự phù hợp: bạn phải gắn kết những thứ đại diện với các nhu cầu quan trọng của đối tượng mục tiêu.
  8. Tầm nhìn: tầm nhìn của bạn cần được quảng bá rộng rãi, nhất quán và liên tục trong một thời gian dài cho đến khi nó in sâu trong tâm trí của đối tượng mục tiêu.
  9. Tính kiên trì: bạn cần có thời gian để phát triển hệ thống thương hiệu của mình và phải luôn gắn liền với nó. Đừng bao giờ bỏ cuộc.
  10. Thiện chí: bạn nên gắn kết bản thân với những giá trị tích cực và đáng giá.
  11. Sự thực hiện: Nếu bạn không thực hiện những điều bạn cam kết và không tiếp tục hoàn thiện bản thân, thương hiệu của bạn sẽ là sự giả tạo. Vì vậy hãy thiết lập các tiêu chỉ đo lường (thẻ điểm cân bằng cá nhân) để tự đánh giá, kiểm soát và điều chỉnh.

Phatmarcom sưu tầm